‘Chuyện cơm Hội An’ – phong phú ẩm thực Việt
Tác giả Israel Nir Avieli khám phá ẩm thực Việt từ khâu nấu nướng đến thưởng thức, trong sách “Chuyện cơm Hội An”.
Nir Avieli ghi chép điền dã dân tộc học qua nhiều tháng ở vùng đất Hội An. Ông cho rằng Hội An có nét cổ kính của một đô thị xưa, sự truyền thống, tinh tế từ con người cho đến món ăn. Qua đó, Nir Avieli dẫn dắt người đọc đi vào những bữa ăn gia đình và không gian ẩm thực của các lễ hội cộng đồng đặc sắc.
Qua nhiều cuộc gặp gỡ, dùng bữa, tác giả nhận xét thái độ sống lạc quan – thể hiện qua không gian ăn uống – làm nên sự phong phú của ẩm thực Việt Nam. Trong đó, ông chỉ ra mối quan hệ giữa cung cách ăn uống với quan hệ giai cấp, vai trò giới, thực hành tôn giáo, thế giới quan, sắc tộc.
Sách còn phân tích các món trong mâm cỗ gia đình, mâm tiệc cộng đồng, khảo sát kho tàng đặc sản địa phương. Từ đó, tác giả hệ thống hóa nhân sinh quan người dân đô thị cổ, chỉ ra động lực xã hội, nguồn gốc lẫn các chuyển biến của cộng đồng đa văn hóa.
Khi nghiên cứu ẩm thực Hội An, Nir Avieli đặt ra hai nguyên tắc: Ăn mọi thứ ở những nơi khác nhau và không từ chối lời mời dùng bữa. Lúc thưởng thức đặc sản, tác giả nhận ra nhiều điểm đặc trưng của nền ẩm thực Việt. Người dân luôn sử dụng nguyên liệu tươi ngon, cách chế biến nước mắm khác so với miền nam Trung Quốc và Campuchia. Đồng thời, người Việt có sự cầu kỳ trong khâu nêm nếm gia vị, giúp thức ăn dậy mùi, đậm đà.
Sách nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Trang Allegra viết: “Với sinh viên, nhà nghiên cứu hoặc độc giả muốn khám phá lĩnh vực nhân học dinh dưỡng, Avieli cung cấp câu chuyện dân tộc học hấp dẫn”.
Robyn Eckhardt, tác giả cuốn EatAsia, nhận định: “Độc giả sẽ tìm thấy những điều hữu ích về ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân đối với ẩm thực địa phương. Những tác giả có ý định thực hiện nghiên cứu liên quan đến thực phẩm trên thế giới đều có thể rút ra điều đó ở chương cuối”.
Phó giáo sư Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, đánh giá: “Chuyện cơm Hội An không chỉ là những câu chuyện ẩm thực đơn thuần, mà góp phần giới thiệu nền văn hóa Việt. Trong sách, ẩm thực Hội An còn gợi mở đến những vấn đề lịch sử”.
Nir Avieli là giảng viên Khoa Xã hội học và Nhân học tại Đại học Ben Gurion ở Israel. Với vị trí nhà nhân học văn hóa, mối quan tâm nghiên cứu chính của ông là ẩm thực và du lịch. Ông từng điền dã dân tộc học ở Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore và Israel. Ngoài Chuyện cơm Hội An, tác giả xuất bản sách nghiên cứu Food and Power: A Culinary Ethnography of Israel năm 2017.
Quế Chi
Responses