Đan võng bằng vỏ cây trên đảo Cù Lao Chàm

Quảng NamCụ Lê Thị Kề, 83 tuổi, ở đảo Cù Lao Chàm tỉ mẩn đan chiếc võng từ vỏ cây ngô đồng trong hai tháng, bán 12-15 triệu đồng.

Cuối tháng 11 là mùa thấp điểm du lịch ở đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An nên du khách thưa thớt. Cụ Lê Thị Kề mang bó sợi cây ngô màu trắng ngà, con dao ngồi đan võng trước hiên nhà. Đôi tay cụ thoăn thoắt đưa từng sợi dây xoắn chặt nhau, kết thành những hình con thoi nối tiếp.

Cụ Lê Thị Kề hơn 50 năm đan võng từ vỏ cây ngô đồng bán. Ảnh: Sơn Thủy

Cụ Lê Thị Kề hơn 50 năm đan võng từ vỏ cây ngô đồng. Ảnh: Sơn Thủy

Với kinh nghiệm hơn 50 năm, cụ đo khoảng cách các ô bằng tay nhưng đều tăm tắp như dệt máy. Sau gần một tháng, chiếc võng được hoàn thành dài hơn một mét, không có múi buộc, múi nối, sợi dây không bị xơ cục mà quấn chắc chắn. Đây là đặc điểm khác biệt của võng ngô đồng so với các loại khác.

Cụ Kề quê ở trong đất liền Hội An, năm 1962 lấy chồng ở hòn đảo tiền tiêu Cù Lao Chàm, cách bờ khoảng 15 km. Cụ biết nghề đan võng ngô đồng qua sự chỉ dạy của mẹ chồng.

Chỉ những người theo nghề mới hiểu quá trình làm ra chiếc võng rất kỳ công. “Muốn đan được võng đẹp thì không thể làm nhanh. Nghề này thích hợp người lớn tuổi hơn bởi yêu cầu kỹ thuật khắt khe trong mũi đan, đường se, đòi hỏi kiên trì, tỉ mỉ”, cụ chia sẻ.

Làm nghề 10 năm ở trên đảo Cù Lao Chàm, bà Huỳnh Thị Út, 56 tuổi, cho biết võng ngô đồng có hai loại gồm 4 sợi và 6 sợi (khoảng cách giữa hai múi là 4-6 dây). Người đan phải vừa se, vừa miết để những sợi dây thắt chặt nhau nhịp nhàng, không cộm, không mối nối gồ ghề. Khi đan, thợ canh khoảng cách để các ô đều đặn, mỗi nút thắt chặt, chắc để không bị chùng.

Bà Út nói võng được làm thủ công nên phải “tự nhìn, tự học và tùy sự khéo léo của từng người, chứ không thể cầm tay chỉ từng đường se, mũi đan”.

Mỗi năm vào tháng 7, hoa ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm nở rộ với màu đỏ cam. Ảnh: Sơn Thủy

Mỗi năm vào tháng 7, hoa ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm nở rộ màu đỏ cam. Ảnh: Sơn Thủy

Ở đảo có nhiều cây ngô đồng mọc trên núi đá. Từ tháng 4 đến 7 là mùa hoa nở rộ. Người dân lên rừng tìm chọn cây, nhánh ngô đồng to bằng cổ tay rồi chặt bỏ lá, lấy đoạn thân thẳng.

Thân cây được đập dập, tách vỏ, ngâm trong nước suối. Mùa hè ngâm nửa tháng, mùa đông hơn 20 ngày rồi vớt lên rửa sạch. Người thợ chọn lớp vỏ bên trong có màu trắng đục, gọi là manh đồng. Manh đồng được tước thành từng sợi nhỏ, phơi khô cho đến khi có màu trắng để đan võng.

Cụ Kề giải thích chặt cây ngô đồng không gây hại cho rừng. Mùa hè cây rụng lá, ra hoa, sau đó kết trái. Khi trái rụng xuống, cây con mọc khắp nơi, khoảng 3 năm lại được người dân chặt lấy vỏ. “Từ gốc cây bị chặt sẽ mọc ra 3-4 chồi mới, sinh trưởng thành cây con khi mùa mưa đến”, cụ nói.

Bà Huỳnh Thị Út gần nửa tháng mới đan được một nửa cái võng. Ảnh: Sơn Thủy

Bà Huỳnh Thị Út gần nửa tháng mới đan được một nửa chiếc võng. Ảnh: Sơn Thủy

Để hoàn thành chiếc võng dài 2,6 m, chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu, phải mất hai tháng. Võng có thể sử dụng 20 năm, khi bị bẩn thì đem giặt, phơi khô.

Trước đây, võng ngô đồng đan xong thường được bán cho dân địa phương. Từ ngày hòn đảo phát triển du lịch, võng được nhiều du khách trong và ngoài nước mua với giá 10-15 triệu đồng một chiếc. “Mỗi chiếc võng không cho thu nhập cao so với công sức bỏ ra. Nhưng đã làm nghề thì không bỏ được, mỗi ngày không đan là nhớ, đứng ngồi không yên”, bà Huỳnh Thị Út nói.

Người đan võng ngô đồng không biết nghề này có từ bao giờ, chỉ biết được truyền lại qua nhiều đời. Nhiều người đã chuyển sang nghề khác cho thu nhập cao hơn khi đảo Cù Lao Chàm đón nhiều du khách. Hiện cả đảo chỉ còn năm cụ già làm võng và truyền nghề cho một số người trẻ.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch xã Tân Hiệp, cho hay nghề làm võng dần mai một nên chính quyền đã mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời khuyến khích đa dạng sản phẩm, tạo không gian cho du khách trải nghiệm nghề truyền thống khi đến đảo.


Sơn Thủy

Nguồn VNE

Related Articles

Responses

Your email address will not be published. Required fields are marked *