Những màn múa thiên cẩu ở Hội An
Trước những năm 1950, ở Hội An chưa có múa lân hay sư tử và người dân chỉ quen thuộc với múa thiên cẩu. Theo cổng thông tin Địa lý và Du lịch tỉnh Quảng Nam, thiên cẩu (chó nhà trời) được nói đến trong huyền tích nhiều nước phương Đông liên quan đến nhật thực, nguyệt thực, mang ý nghĩa báo hiệu sự tốt đẹp của mùa màng.
Đầu thiên cẩu làm xong, muốn đưa vào hoạt động phải tổ chức lễ khai quang điểm nhãn (ảnh) nhằm biến đầu thiên cẩu – đồ vật thành ông thiên cẩu – linh vật. Buổi lễ được tổ chức tại nhà hoặc tại một di tích tín ngưỡng như chùa Ông (miếu Quan Công), do các thầy pháp, thầy chùa thực hiện.
Một đĩa tiết gà hoặc đĩa châu sa (khoáng thạch có màu đỏ), một cây bút lông được chuẩn bị. Sau khi cúng vái chư thần, thầy pháp cầm bút lông chấm vào tiết gà hoặc châu sa tay bắt ấn, miệng đọc thần chú làm phép điểm nhãn. Tiết gà hoặc châu sa được điểm vào mắt thiên cẩu với ý nghĩa truyền cho nó nguồn sinh lực siêu nhiên, trở thành linh vật và bắt đầu tham gia đón Trung thu.
Responses